Nhà máy sản xuất Thực phẩm chức năng đạt GMP-HS đầu tiên tại Việt Nam
Âu Cơ đạt GMP-HS
Tin Tức

Đậu nành - Nattokinase

 "NATTO" là gì?

Là một món ăn dân dã rất phổ biến ở nông thôn Nhật Bản, họ thường ăn cơm sáng với Natto, nước tương với rong biển phơi khô (Nori) và trứng gà sống. Ngày nay Natto còn được chế biến trong các món ăn xào nấu với thịt, làm sandwich kẹp natto hay bánh mì gọi là Natto-burger(!). Natto là một đặc sản thiên nhiên, không qua chế biến (nấu, xào, hấp…) vì vậy những tố chất bổ dưỡng cho sức khỏe đều được giữ nguyên vẹn trong đó enzym Nattokinase là một hoạt chất sản sinh trong quá trình lên men tự nhiên được xem là hoạt chất có hiệu quả trong việc ngăn ngừa các chứng bệnh tim mạch - một phát hiện vô cùng lý thú bởi nhà nghiên cứu sinh lý học Nhật Bản nổi tiếng, GS Sumi Hiroyuki vào năm 1980 

Từ trước đến nay, có nhiều thức ăn từ đậu nành lên men như các loại Tương (miso), Chao… bằng những con men như Aspergillus, Rhozipus hay Actinomucos nhưng chỉ có Natto là lên men từ vi khuẩn (active protease enzymes) Bacillus Subtilis có trong rơm rạ và được gọi phổ biến là Bacillus Natto.

natto là gì 1

Một bữa cơm sáng của người Nhật

Natto là chữ ghép của Nat (nộp) và To (đậu) với nghĩa là “đậu nành lên men” ngày nay, đã xuất hiện ở Nhật vào năm 1068. Đậu nành ngoài làm thức ăn, là loại đậu dùng để ‘cúng dường” đức Phật (nassho - nộp vào chùa) trong nhà chùa và đưa vào bếp chế biến thức ăn cho tăng lữ, ni sư. Ngày nay vào ngày lập xuân (tết cổ truyền theo âm lịch) tại Nhật Bản, các chùa thường quăng rãi những hạt đậu trước cổng chính cho khách hành hương đến viếng, hay các cụ lớn tuổi vẫn giữ tục lệ ném hạt đậu nành trước cửa để trừ tà (ma quỉ), rước “hên” (may mắn) vào nhà.

Phát hiện ra Natto

Có 5 truyền thuyết chủ yếu được lưu truyền cho đến ngày nay:

1). Du nhập từ Trung Hoa

Vào năm 754 nhà sư Ganji của Nhật Bản đã sang Trung Hoa hành đạo và khi trở về đã mang theo khoảng 5,5 tấn bánh đậu nành đã lên men (không ướp muối) và từ đó đã phát triển thành một món ăn trong nhà chùa dưới tên Natto. Người ta được biết hơn 2000 năm trước người TQ đã chế biến ra món đậu hủ lên men có tên là TAN-SHIH (bành tàu hủ mềm màu sáng) hay KAN-SHIH (bánh tàu hủ ngọt) mà ngày nay vẫn còn lưu lại qua dạng tương bằng đậu đen. Qui trình làm ra Tan-Shih được ghi lại trong sách về Nông nghiệp ở Trung Quốc “Chi-Min Yao-shu” đầu tiên vào năm 535 trong đó thuật lại rằng đậu nành được nấu chín, phơi trong phòng ấm rồi gói trong rơm và để lên men tự nhiên thành Koji, sau đó rửa lại bằng nước sạch, lấy xác quấn chặt bằng vải để trong nhiều ngày, cuối cùng phơi khô hay sấy khô làm thành bánh. Trong rơm hay rạ có chứa loại enzim Bacillus Subtilis và dễ lên men trong điều kiện nhiệt độ cao (40oC) và tạo ra chất nhờn, mùi hôi như đã kể.

2). Thuyết Thời Yayoi ở Nhật Bản:

Thời đại Yayoi (300BC-200AD) là thời kỳ nền nông nghiệp của Nhật Bản có những biến chuyển quan trọng. Người ta đã phát hiện hạt đậu nành ở những địa điểm khai quật khảo cổ thời đại nầy ở một số địa phương (tỉnh Akita ở đông bắc, Yamaguchi hay Shizuoka ở phía Nam) cho thấy người Nhật đã biết trồng và ăn đậu nành từ rất sớm. Bốn yếu tố làm thành Natto xưa kia từ thời Yayoi đã hội đủ: đậu nành, rơm rạ từ việc trồng lúa, vi khuẩn lên men và thời tiết nắng ấm ở vùng đông bắc Nhật Bản. Sự ngẫu nhiên giữa việc nấu chín đậu nành rồi quấn vào rơm rạ trong điều kiện nóng ấm (để lên men) có thể được giải thích bằng

(1) Thời Yayoi người Nhật xây nhà có lò sưởi ở giữa nhà (tate-ana) và có thói quen nấu ăn trên lò sưởi (amado) giữa nhà rồi phơi trên trần nhà thức ăn dư thừa chung quanh bếp và nhờ vậy chỉ qua một đêm là những hạt đậu được nấu chính gói cất trong rơm đã trở thành Natto
(2) Những hạt Natto có mùi khó chịu nầy trước tiên là được dùng làm thức ăn cho ngựa trong chuồng
(3) Những hạt đậu chín sạch sẽ thì được đem vào nhà chùa đề cúng dường ở đền Shinto nhưng vô tình khi chuyên chở bằng ổ rơm có quấn chặt dây bện bằng tranh (kamidana) đã tạo xúc tác lên men cho những hạt đậu nành bên trong và biến chúng thành Natto. Nhưng những “huyền thoại” nầy cũng chưa có tài liệu nào chứng minh… trừ chữ “Natto” trong đó “Nat” là “cống nộp” (hay cúng dường) còn “To” là hạt đậu.

3). Thuyết Thái tử Shotoku ở tỉnh Shiga (vùng trung bộ Nhật Bản, phía đông thành phố Kyoto)

Thái tử Shotoku
Tương truyền rằng thái tử Shotoku vào đầu thế kỷ thứ bảy đi ngựa qua ngọn đồi Omi và ghé ở lại qua đêm tại làng Warado, vùng trồng nhiều đậu nành. Ông ta cho ngựa ăn những hạt đậu (đã nấu chín) dư thừa, gói trong rơm và treo ở cành cây. Ngày hôm sau những hạt đậu lên men thành Natto và khi Ông cho thêm muối nếm thử thì thấy ngon ngọt và dân làng bắt chước sản xuất ra món Natto độc đáo nầy. Từ đó đổi tên làng thành ”làng gói bằng rơm” (Warazuto Mura) và thực tế là làng nầy đã là nơi sản xuất Natto cho đến những năm 1920. GS Ota Teruo cho rằng Thái tử Shotoku đã học cách lên men từ một vị sư người Triều Tiên, bạn thân của ông ta tên là Keiiji, kĩ thuật len men đậu nành trong khi Thái tử theo ông học đạo Phật. Tất cả các truyền thuyết khác về Natto đều nói rằng Natto xuất phát từ các tình miền bắc NB.
4). Thuyết Hachiman Taro Yoshiie (phổ biến nhất)

Hachiman Taro Yoshiie
Hachiman Taro Yoshiie là tên gọi thân mật của Minamoto Yoshiie, môt Samurai nổi tiếng con của lãnh chúa Minamoto no Yoriyashi thời Heian của Nhật Bản. Yoshiie là vị tướng anh hùng trong cuộc chiến kéo dài 9 năm Zenkunen (1051) và trận chiến 3 năm Gosanen (1083) trong những cuộc dẹp loạn các sứ quân ở miền bắc. Nông dân vùng nầy đứng lên vì nghèo đói, chống lại sưu thuế, thất mùa vì nạn giá rét… và vậy triều đình ở Kyoto vội cử tướng Yoshiie, cha ông lên miền bắc khống chế. Trên đường từ Kyoto lên Edo (Vùng Tokyo và phụ cận) ngoằn nghèo dọc theo nhiều tỉnh nghèo (Oshukaido). Tương truyền khi đoàn quân ngừng lại nấu đậu nành cho ngựa ăn thì bị tấn công bất ngờ đành vội vã quấn đậu trong gói rơm cột chặt vào lưng ngựa. Ngày hôm sau hay sau nữa, thấy gói đậu ấm hẳn (vì thân nhiệt của Ngựa) và bốc mùi khủng khiếp do lên men nhưng đàn ngựa ăn rất ngon. Binh lính tò mò nếm thử thì phát hiện đây là món ăn bổ dưỡng, mau tiêu và nhuận trường không bị sình trương hay táo bón. Một giai thoại khác kể rằng khi tướng Yoshiie đến thành phố Iwadeyama ở Miyagi (tỉnh vùng đông bác) thắng trận Zenkunen (Trước chín năm) thì tướng quân cho rằng nhờ ăn Natto của dân làng dâng lên mà thắng trận và từ đó Natto đã trở thành đặc sản nổi tiếng của làng Iwadeyama từ thời kỳ giữa Edo. 32 năm sau Yoshiie thất trận Gosannen, bị bắt tại Sankanbu tỉnh Akita. Trong thời gian chiến đấu tại đây Yoshiie đã nấu đậu cho những nông dân nghèo đói và vội vàng gói vào lá tranh, nông dân ngạc nhiên vì mấy ngày sau đậu bốc mùi hăng và nhờn nhớt nhưng vì đói nên đã ăn ngon lành và từ đó Natto đã trở thành món ăn bổ dưỡng của người Nhật Bản đến ngày nay.
Cuối cùng chiến thắng trở về Kyoto mang theo kỹ thuật chế biến Natto vì vậy con đường về của ông được gọi là “con đường Natto” phát xuất từ làng Yokote ở tỉnh Akita miền đông bắc sang các tỉnh Yamagata, Sendai, Fukushima, Haizu, Mito, Urawa (Saitama), Tokyo, Kofu… và cuối cùng là Tanba (gần Kyoto), nơi nơi đều được phổ biến kỹ thuật sản xuất Natto và trở thành đặc sản nổi tiếng sau nầy… Câu chuyện huyền thoại về tướng quân Hachiman Taro Yoshiie trở nên một tác phẩm truyền khẩu bất hủ cho đến ngày nay. Ngoài giai thoại vừa kể, chung quanh Natto còn có nhiều giai thoại như “Hoàng đế trở thành nhà sư Natto” khi nhà vua Kogen (1331-1333) bỏ ngai vàng lên núi đi tu và chế biến đậu nành thành Natto (đậu nành nấu chín gói vào rơm ủ lên men) nhờ vậy các chùa ở vùng Yamaguni hay Kyoto cũng đã cho ra đời những “đặc sản” Natto nổi tiếng như “Tanba Natto” hay “Yamaguni Natto”.

Vào thời đại Muromachi (1338-1573) người Nhật Bản đã biết cách chế biến Tương (miso) và các loại nước tương (shoyu) - một loại nước chấm - từ hạt đậu nành hay đỗ đen nhờ vậy cách làm Natto cũng thay đổi ít nhiều bằng cách gia vị thêm tương thay vì muối, đặc biệt trong nhà đền thiền học, các vị sư đã sử dụng rất nhiều loại tương, đậu hủ và Natto trong bữa ăn (Shojin Ryori) nhờ vậy Natto càng trở nên phổ biến trong giới Samurai, sư sãi hay tầng lớp quí tộc. Từ thế kỷ thứ 17 (thời Tokugawa) Natto đã trở nên phổ biến rộng khắp, Mito (tỉnh Ibaraki) là nơi sản xuất ra nhiều loại Natto nổi tiếng lưu truyền cho đến ngày nay. Ngay ở Tokyo vào những năm 1970, người ta còn thấy cảnh bán dạo Natto và đậu hủ bằng xe đạp trong các khu phố nghèo, trở thành món ăn sáng của giới bình dân, rất tiện lợi vì chỉ cần natto với cơm nóng và nước tương là có thể xong bữa cơm sáng hay thêm một ít tương (miso) cho vào Natto thành bát canh nóng (natto-jiru) cho bữa cơm tối.

natto là gì 2

Giải mã những bí ẩn chung quanh natto

Nhà khoa học đầu tiên nghiên cứu về sự bí ẩn của Natto là tiến sĩ K.Yabe, một chuyên gia về vi sinh học công bố những kết quả tìm tòi của ông về sự lên men của natto vào năm 1894, ghi lại rằng “Natto, một loại pho-mai thực vật” để giới thiệu với các nước phương tây vốn rất quen thuộc với các loại phô-mai từ sữa bò hay sữa dê. Trước Abe, chưa có một ai tìm hiểu nguyên nhân tại sao natto có thể lên men từ rơm rạ bọc quanh, quả là môt điều kỳ bí. Với kiến thức về vi sinh vật, TS Abe cho rằng đậu nành nấu chín chắc chắn được lên men bằng một loại vi sinh vật “nào đó” và với phương pháp trích ly, Abe đã tìm thấy 4 loại vi khuẩn (ba loại thuộc họ Micrococci và một loại Bacillus) đã giúp cho đậu nành lên men dễ dàng (ông ta đã phát hiện Bacillus subtilis là loại men giúp cho đậu nành nấu chín lên men (nhưng không xác định đó là một loại enzym có trong rơm rạ bọc quanh Natto). Những khám phá nầy về mặt khoa học của Abe đã gây được tiếng vang vì nhờ đó giới chuyên môn xác định được tính chất đặc biệt về dinh dưỡng của Natto về phương diện vi sinh. Quân đội Nhật Bản trong thời chiến tranh Nhật-Nga (1904-05) đã phải ăn ngày 3 bữa bằng natto với cơm nhờ vậy binh lính gìn giữ được sức khỏe không bị đau bụng, tiêu chảy hay táo bón trên đường hành quân. Vào năm 1905 TS Shin Sawamura (đại học Tokyo) đã thành công trong việc tách 2 loại vi khuẩn Natto từ đậu nành nấu chín, trong đó vi khuẩn gây ra mùi hương đặc biệt làm hạt đậu lên men (Bacillus natto) cũng như vi khuẩn tạo chất nhờn rất dẽo dai (Bacillus mesentericus vulgarus) tạo vị ngọt. Từ đó, khẳng định được loại enzym - qua nhiều kiểm chứng trên các loại natto khác nhau - Bacillus Natto do TS Sawamura tìm thấy là chính xác. Bacillus Natto đồng nghĩa với Bacillus Subtilis trong thuật ngữ ngày nay. Nhiều nghiên cứu cho thấy người ta dùng nhiều loại men tương tự để sản xuất natto nhưng tất cả đều thất bại, sản phẩm natto nầy không có mùi và dẽo như natto sản xuất bằng loại men ủ từ rơm rạ, điều đó giúp các nhà khoa học Nhật Bản xác nhận được rằng con men tạo ra Natto phải là một loại men các đặc tính khác với loại men Bacillus Subtilis tuy rằng cùng họ.

Bacillus Natto
Sở dĩ các nhà khoa học NB đã cất công nghiên cứu về thực phẩm độc đáo nầy vì cho rằng đây là một thức ăn giúp con người sống lâu, giữ gìn được sức khỏe trong đó có 4 nhà nghiên cứu ăn hằng ngày natto, đã sống đến 80,4 tuổi vào những năm 1900 là bằng chứng cụ thể. Những kết quả nghiên cứu sau đó của GS Muramatsu Shisuke (trường Nông nghiệp Morioka) trích ly được 3 loại Bacillus có trong Natto tạo ra mùi và hương vị cho natto nhưng ông xác định những enzym Natto nầy giàu protein và chất tinh bột giúp cho tiêu hóa dễ dàng cũng như hấp thu được dưỡng chất từ thức ăn khác nhờ vi khuẩn natto có “trypsin và diastase (enzyme)”. Việc tìm tòi để sản xuất theo lối công nghiệp sản phẩm Natto được nghiên cứu liên tục ở các trường đại học Nhật Bản (như GS Hazawa Jun ở ĐH Hokkaido) ứng dụng các loại enzym có tính năng tương tự với enzym từ rơm rạ để phục vụ quân đội viễn chinh Nhật Bản ở Mãn Châu, Trung Quốc… từ năm 1919. Từ đó, Natto đã trở thành thực phẩm chủ yếu cho quân đội viễn chinh trong thế chiến thứ hai và ngày càng phổ cập đến nhân dân. Qua thống kê chúng ta có thể thấy từ mức tiêu thụ Natto 39.000 tấn năm 1958 tăng vọt lên đến 170.000 tấn/năm 1982 chứng tỏ Natto đã trở thành lương thực dinh dưỡng mà bình quân người Nhật sử dụng 1,42 kg/năm (và hiện nay là khoảng 2 kgs/năm).
Hiệu quả dinh dưỡng của Natto - thực phẩm chức năng

Khuynh hướng ngày càng tiêu thụ sản phẩm Natto vì tin rằng Natto không những là thức ăn rẽ tiền dễ tiêu, nhiều protein và không gây hại như các loại thực phẩm chế biến công nghiệp (ăn liền) mặc dù mùi “hương” (do vi khuẩn Pyrazine gây ra) của natto vẫn gây khó chịu, cực kỳ khó ngửi. Bản thân người viết bài nầy đã ở Nhật trên 40 năm nhưng cũng không thể ‘làm quen” với mùi đặc biệt của Natto mặc dù vẫn biết đây là một thức ăn bình dân có độ dinh dưỡng cao. Nhiều anh em Việt nam đã phải bỏ chạy lánh xa khi người bạn Nhật (trong cư xá) bên cạnh mở nắp gói Natto ra ăn. Điều khác thường là những ai đã quen hay chịu được thì ngày càng “nghiện”món nầy một cách lạ lùng như người Pháp “ghiền” phô-mai lên men xanh “Roquefort” nặng mùi vậy.

Đây cũng là điểm yếu mà các nhà sản xuất thực phẩm ra sức khắc phục bằng cách

(1) Pha trộn với hạt dẻ
(2) Hun khói, sấy khô với cám lúa mạch
(3) Thêm Calci
(4) Natto với loại rong tảo giàu Vitamin B-12 hay
(5) Pha trộn Natto và gạo lức…

Vì đã có những phát biểu đánh giá khá tích cực của giới chuyên môn vào những năm cuối và thập kỷ 1970 như nghiên cứu của GS Kameda (ĐH Y khoa Kanazawa) về hiệu quả ngăn ngừa nhiễm độc, tế bào ung thư, kim loại nặng của natto trên cơ thể chuột hay như tổng kết của GS Ohta thuộc viện nghiên cứu Thực phẩm quốc gia (NB) rằng ”có nhiều chứng cớ qua nghiên cứu cơ bản cho thấy hiệu quả của natto như ngăn ngừa bệnh kiết lỵ, tiêu chảy và nhiễm độc đường ruột hay giảm béo… giữa các nhà chuyên môn mặc dù cho dến nay vẫn còn nhiều tranh cãi” nhưng rõ ràng là người ăn natto không bị đầy hơi, trướng bụng như khi ăn các loại đậu khác, có nghĩa là enzyme natto có khả năng là một hoạt chất có ích không thể phủ nhận.

Tags
Bài khác
Video
Tin Tức

Năm 2023, Công ty Âu Cơ đã đầu tư thêm hệ thống đóng gói cấp 1 mới phục vụ cho hoạt động sản xuất các sản phẩm Thực phẩm, Thực phẩm bổ sung dạng lon. Đây là 1 hệ thống hiện đại được cấu thành từ 7 bộ phận, thiết bị khác nhau bao gồm: Băng tải khử khuẩn, máy cấp liệu tự động hút chân không, máy định lượng trục vít tự động, máy viền mí tự động, máy tách nitơ, máy sấy khí và băng tải.

Nước là yếu tố không thể thiếu trong hoạt động sản xuất của nhà máy Âu Cơ. Nước đóng vai trò thiết yếu trong công tác vệ sinh và cũng là dung môi quan trọng trong quá trình sản xuất. Nước được sử dụng tại nhà máy gồm 2 loại: Nước sinh hoạt và nước tinh khiết.

Ngày quốc tế phụ nữ 8.3 đã được lựa chọn là ngày lễ dành riêng cho phái nữ trên toàn thế giới, ngày này được Liên hợp quốc chính thức hóa vào năm 1977

Sản xuất

Đa số mọi người uống thuốc đều chú ý tới cách sử dụng và liều lượng thuốc nhưng lại ít để ý tới nhiệt độ nước dùng để uống kèm. Trên thực tế, không nên dùng nước nóng để uống thuốc vì có thể gây ra các phản ứng vật lý hoặc hóa học làm ảnh hưởng tới hiệu quả thuốc.

Trong những năm gần đây, xu hướng chăm sóc sức khỏe đang ngày càng nâng lên một tầm cao mới. Đặc biệt năm 2018 với các cảnh báo từ Tổ chức Y tế Thế Giới “WTO” báo động về thực trạng tràn lan các bệnh mạn tính và mức độ an toàn thực phẩm toàn cầu thì nhu cầu sử dụng thực phẩm lành mạnh, có bổ sung dưỡng chất đã tạo nên một làn sóng cao trào được người tiêu dùng thông thái quan tâm và lựa chọn.

Cũng như mọi năm, cuối năm luôn là cao điểm của sản xuất trên toàn bộ nhà máy Âu Cơ, từ các dạng viên nang, viên nén bao phim hay các dòng sản phẩm dạng dung dịch đóng lọ, dạng kem xoa bóp hay các dạng cốm, bột cho trẻ…

Sản phẩm khác